Skip to Content
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN











Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 759
Access in week: 10622
Access in month: 99604
Access in year: 865916
Total visited: 2943151

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Publish date 18/08/2021 | 16:38  | Lượt xem: 1216

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. 76 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị.

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương.

Ở trong nước, phong trào cách mạng dâng cao. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Một đơn vị giải phóng quân làm lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào
về giải phóng Thái Nguyên (16/8/1945)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8 năm 1945, Cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam.

Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập
 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với dân tộc và thời đại: Trước hết, đối với dân tộc: Cách mạng Tháng Tám đánh dấu một cuộc biến đổi to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Đánh giá về ý nghĩa lớn lao này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Đối với quốc tế và thời đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là nguồn cổ vũ cho các quốc gia - dân tộc đang đấu tranh giành độc lập tự do ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, nhất là các nước láng giềng. Khẳng định vị thế, giá trị thời đại của  thắng lợi này, Chủ tich Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới. Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”. Cách mạng Tháng Tám chứng tỏ trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa do toàn dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại hoàn toàn có khả năng thắng lợi không chỉ ở một nước tư bản kém phát triển mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu. Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

76 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh bại các cuộc xâm lăng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.

                                                                        Ban Tuyên giáo Quận ủy