Skip to Content
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN











Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 987
Access in week: 1223
Access in month: 90205
Access in year: 856517
Total visited: 2933752

CHUYỂN ĐỔI SỐ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Hà Nội ưu tiên trọng tâm phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong cải cách hành chính
Publish date 06/08/2024 | 16:34  | Lượt xem: 31

Ngày 15/5/2024, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID), đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hỗ trợ 100% mức phí phải nộp cho công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Việc triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID với mức hỗ trợ tối đa về mức phí đã thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần phục vụ và hành động quyết liệt của Thành phố trước nhu cầu thực tiễn của xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp được Thành phố triển khai thử nghiệm và từng bước đi vào hoạt động nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố trên VneID, Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng. Thành phố đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, tạo sự minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố. Thành phố đã thực hiện thí điểm triển khai quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo hướng hiệu quả, thiết thực.

Các cơ quan chuyên môn của Thành phố tăng cường hướng dẫn, cảnh báo các lỗ hổng bảo mật gây mất an toàn thông tin theo khuyến cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng và khắc phục sự cố cho các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Đến nay, đã có 237 hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ; 280 Cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan Thành phố đã được gắn nhãn tín nhiệm mạng. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI ở Việt Nam năm 2023, được công bố đầu tháng 4/2024, Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số Quản trị điện tử.

Công tác chuyển đổi số của Thành phố được triển khai đồng bộ trong mọi mặt của đời sống xã hội, đạt được những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đáp ứng cơ bản yêu cầu công tác cải cách hành chính. Một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực, nổi bật như: “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi số trong trường học” đăng ký sử dụng chữ ký số cho giáo viên; lưu trữ hồ sơ điện tử; thu học phí không dùng tiền mặt, nộp thuế điện tử qua app eTax Mobile (theo hướng dẫn của ngành Thuế), “Bộ phận Một cửa Hiện đại - Chia sẻ - Hỗ trợ”, triển khai hạ tầng mạng không dây, Internet miễn phí phục vụ người dân…

Thành phố tiếp tục duy trì tỷ lệ 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền với việc ban hành 23 Quyết định ủy quyền đối với Thủ trưởng/Giám đốc các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện các lĩnh vực: Xây dựng, Ngoại vụ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Văn hóa và Thể thao, Lao động, thương binh và Xã hội, Nội vụ, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, trong công tác xây dựng thể chế, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa 15 với nhiều cơ chế mới, đặc thù, vượt trội, trong đó có nhóm chính sách xây dựng, tổ chức chính quyền tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được kỳ vọng tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn lực phát triển Thủ đô…

Thành phố xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác cải cách hành chính theo phương châm 5 dễ “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát”. Thành phố tiếp tục tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống các cơ quan nhà nước Thành phố; tập trung cải thiện Chỉ số SIPAS, cải thiện, duy trì Chỉ số PARINDEX.

Với những kết quả trên, công tác cải cách hành chính của Thành phố tiếp tục được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số PARINDEX của Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số PAPI được xếp vào nhóm 1 (nhóm các địa phương có Chỉ số tốt nhất). Đây là những nền tảng quan trọng giúp Thành phố hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024./.

(Nguồn tư liệu: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội)