VĂN MINH THANH LỊCH
Việc sinh sống hòa hợp giữa nhiều thế hệ là một điều không hề dễ dàng, nhưng hàng chục năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), gồm 12 thành viên, ba thế hệ vẫn sống hòa thuận, vui vẻ, yêu thương nhau.
Luôn giữ nề nếp văn hóa gia đình là bí quyết giữ gia đình hạnh phúc của ông Nguyễn Văn Hùng, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, 69 tuổi, ở số nhà 20 ngõ 97 phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, từ khi có phong trào xây dựng gia đình văn hóa thì năm nào gia đình ông cũng đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Gia đình ông Hùng cũng là một trong 20 gia đình được vinh danh là gia đình văn hóa tiêu biểu của quận Thanh Xuân. Gia đình ông Hùng là một trong 300 hộ gia đình đại diện cho phường Khương Trung ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử trong gia đình năm 2019 tại Hà Nội. TC Gia đình & Trẻ em đã trò chuyện với ông Hùng về việc giữ lửa ấm gia đình.
Ông bà sống gần con cháu rất tốt
Chào ông Nguyễn Văn Hùng! Gia đình ông nhiều năm là gia đình văn hóa, và cuối năm 2016 được bầu là gia đình văn hóa điển hình của quận Thanh Xuân. Vậy đâu là bí quyết giữ mái ấm gia đình thuận hòa của nhà mình?
Gia đình tôi hiện có 3 thế hệ gồm: hai vợ chồng tôi, 4 người con và 6 người cháu sống gần nhau rất thuận hòa, êm ấm. Tất nhiên là trong cuộc sống có những lúc các cháu nghịch ngợm, ông bà phải nhắc nhở và tham gia góp ý, nhưng nhìn chung là gia đình thuận hòa, êm ấm, hạnh phúc. Tôi rất ủng hộ mô hình ông bà và các con, cháu ở cạnh nhà nhau, thuận lợi chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Theo tôi, mấu chốt quan trọng nhất là nhận thức về văn hóa của các thành viên trong gia đình. Tôi là sĩ quan quân đội 35 năm của Đoàn nghi lễ quân đội đã nghỉ hưu, vợ là giáo viên của Trường Tiểu học Đồng Tâm. Chúng tôi có 4 người con đều ăn học đến nơi đến chốn, các con làm dược sĩ, bác sĩ, sĩ quan chuyên nghiệp. Chúng tôi dạy các con, cháu nối tiếp văn hóa của gia đình, trên kính dưới nhường, yêu thương nhau. Tôi cho rằng, việc xây dựng nền tảng gia đình văn hóa phải trên cơ sở nhận thức đúng đắn của từng cá nhân trong gia đình.
“Người lớn là tấm gương mẫu mực cho thế hệ con cháu. Muốn đoàn kết, bản thân mỗi người phải biết giữ nếp nhà, kính trên, nhường dưới. Vợ chồng tôi cư xử thế nào, các con cứ thế mà học” - Ông Nguyễn Văn Hùng, phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tranh cổ động Xây dựng nếp sống văn hóa từ mỗi gia đình.
Tăng cường công tác tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Ông có nhận xét gì về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và theo ông, làm thế nào để các gia đình thực hiện tốt các tiêu chí này, đảm bảo giữ vững nề nếp gia đình hạnh phúc?
Tôi thấy, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đưa ra các tiêu chí rất ngắn gọn, cô đúc, dễ nhớ và áp dụng cho từng thành viên trong gia đình. Để các gia đình thực hiện tốt các tiêu chí này thì trước tiên phải tăng cường công tác tuyên truyền trong dân chúng, đến từng gia đình; đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội của các tổ dân phố đều phải tăng cường công tác tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến mọi người dân.
Thực ra, vấn đề này không mới, nó vẫn nằm ở trong các tiêu chí như xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa 5 không như hiện nay của quận Thanh Xuân đang thực hiện. Với các tiêu chí như trong Bộ tiêu chí ứng xử gia đình đưa ra, bây giờ muốn đi vào cụ thể, cần phải tuyên truyền liên tục, bằng nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng hơn đến mọi người dân.
Trước tình trạng xảy ra không ít sự việc đau lòng trong cùng gia đình, như vụ anh giết em vì tài sản của bố mẹ, ông nhận xét thế nào về đạo đức gia đình hiện nay? Có phải đạo đức gia đình đang xuống cấp không?
Hiện nay, trong xã hội có hiện tượng sa sút về đạo đức trong các mối quan hệ gia đình: bố mẹ - vợ chồng - anh em, hay kể cả quan hệ thầy - trò, và đưa lên báo đài. Theo tôi, trước những thông tin như vậy, truyền thông phát hiện đưa tin kịp thời, đúng lúc là đúng, nhưng lại có mặt trái là người ta cho rằng những sự vụ đau lòng đó dường như nổi lên nhiều hơn và đánh giá là xuống cấp về đạo đức xã hội từ các hiện tượng cá biệt như thế, gây mất lòng tin. Theo tôi, cần phải có đánh giá tổng thể và phải có các tọa đàm để đánh giá cho chính xác. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt. Trong xã hội còn có rất nhiều gương đạo đức cần được phản ánh nhiều hơn, cụ thể hơn. Về phản ánh mặt xấu thì đừng quá đi vào chi tiết rùng rợn để câu view.
Trước những sự vụ trái đạo đức như vậy, gia đình ông đã nói chuyện thế nào để an lòng con cháu?
Tôi cho rằng, đây chỉ là hiện tượng đặc biệt trong xã hội thì khó tránh lắm. Trước kia, ông bà mình cũng từng nói về chuyện anh em chém giết nhau vì một mảnh đất, vì tiền bạc, đặc biệt là vì tài sản của bố mẹ để lại, do bố mẹ chia không công bằng, con này ưu ái hơn con kia, khiến con cháu xích mích. Nhưng bây giờ, nổi lên trường hợp đặc biệt và gây sốc, thì chúng tôi cũng phải phân tích cho các con cháu biết, cũng có nguyên nhân sâu xa của nó, về cách ứng xử của bố mẹ với các con sao cho bình đẳng, công bằng. Và các con cũng phải bằng lòng với nhau, nếu chưa bằng lòng thì mình phải giải thích để các con hiểu trong nhà có lúc phải nhường nhịn nhau.
Gia đình nhà ông có 4 người con thì phân chia tài sản thế nào cho ổn thỏa?
Cũng có lúc vợ chồng tôi có đất, có nhà phải bán để chia đều cho các con, con trai cũng thừa hưởng như con gái. Còn những khoản bố mẹ để dành riêng đầu tư dưỡng già, thì mình cũng phải dân chủ, thông báo cho các con biết rằng khoản này là bố mẹ không chia để làm việc nọ việc kia, để tạo nên sự đồng thuận thì các con cháu đồng ý thôi. Và như vậy thì gia đình luôn vui vẻ, hòa thuận.
Xin cảm ơn ông.
Hồng Nga (thực hiện)
TC GĐ&TE